Tìm hiểu về thánh đường Florence và quá trình trở thành địa danh kiến trúc độc nhất vô nhị

Thoạt nhìn, Santa Maria del Fiore có vẻ giống với một công trình kiến trúc rộng lớn với tổng thể đồng nhất, song thực chất, nhà thờ lại là sản phẩm được tạo bởi những mảnh ghép kiến trúc khác nhau, với mỗi cá thể được kết nối chặt chẽ. Thánh đường Florence được bắt đầu khởi công vào năm 1296, với thiết kế kiến trúc Gothic làm chủ đạo. Tuy nhiên, trải qua nhiều thế kỷ, công trình này lại được lồng ghép, tu sửa thêm với nhiều loại hình kiến trúc khác nhau, tiêu biểu như kiến trúc thời Phục hưng vào thế kỷ 15, hay một lần nữa với kiến trúc Phục hưng Gothic vào thế kỷ 19.

 

Để có thể hiểu rõ hơn về công trình kiến trúc đầy tinh tế và phức tạp này, cần phải chia tòa nhà ra làm 3 phần chính: tháp chuông (campanile); mái vòm (duomo) và kiến trúc mặt ngoài (façade).

 

 

Cũng tương tự như nhiều công trình kiến trúc cùng thời khác, thánh đường Florence ngày nay cũng là sản phẩm được hoàn thiện qua nhiều bàn tay của các kiến trúc sư người Ý nổi tiếng, tiêu biểu như Giotto và Brunelleschi. Cũng chính vì thế, tòa nhà đã trở thành một biểu tượng kiến trúc kì vĩ nổi tiếng khắp vùng Tuscana nước Ý, đồng thời cũng là một trong những danh lam thắng cảnh quan trọng góp mặt trong danh sách di sản thế giới của UNESCO, mang đến hàng ngàn lượt khách du lịch hàng năm cho thành phố Florence.

 

Như đã nói ở trên, trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về kiến trúc đầy tinh tế của thánh đường qua ba yếu tố chính:

 

 

Tháp chuông và tầm nhìn qua năm tháng của Giotto.

 

 

Trước khi thánh đường Florence được khởi công xây dựng, tại địa điểm đó vốn là một nhà thờ cổ kính xuất hiện từ thế kỷ 4 mang tên Santa Reparata. Tuy nhiên, do đã quá xuống cấp và cũ kĩ sau khi tồn tại qua hàng thế kỷ, hội đồng thành phố Florence đã lên kế hoạch tìm kiếm phương pháp cải tạo công trình kiến trúc này để có thể phù hợp hơn với tình thế đương thời. Vào năm 1294, một bản thiết kế tới từ kiến trúc sư – nhà điêu khắc Arnolfo di Cambio đã được hội đồng thành phố phê duyệt khởi công, đó chính là thánh đường Santa Maria del Fiore. Đây là một công trình kiến trúc đầy tham vọng lúc bấy giờ, với thời gian thi công dự tính sẽ mất tới 142 năm để hoàn thành một tuyệt tác kiến trúc với thiết kế mái vòm hình bát giác cao lớn và các gian giữa rộng thênh thang.

 

 

Trong thời gian xây dựng, Di Cambio qua đời và dự án được bàn giao qua tay một số các kiến trúc sư khác, bao gồm họa sĩ – kiến trúc sư nổi tiếng thời kỳ tiền Phục hưng: Giotto di Bondone (hay được biết tới rộng rãi với cái tên ngắn gọn Giotto). Ông bắt đầu công việc kiến trúc sư trưởng của thánh đường vào năm 1334 và chủ yếu tập trung vào thiết kế phần tháp chuông của thánh đường.

 

Tháp chuông của Giotto được ví như ngọn hải đăng lộng lẫy giữa lòng thành phố Florence. Đây là một cá thể kiến trúc riêng biệt đứng liền kề giáo đường chính của nhà thờ Santa Maria del Fiore và nhà rửa tội Thánh John (St. John).

 

 

 

Trong quá trình thực hiện dự án, Giotto luôn bám sát những dự tính trước đó của Di Cambio để lại, đó là lối kiến trúc polychrome (trang trí kiến trúc nhiều màu) được áp dụng đồng nhất với phần còn lại của nhà thờ. Cùng với đó, Giotto cũng kết hợp một số họa tiết mang dấu ấn của riêng mình vào thiết kế tháp chuông, tiêu biểu là phần đá cẩm thạch nhiều màu được sắp xếp một cách tỉ mỉ và khéo léo tại phần tường ngoài của công trình. Giotto đã nhập những phiến đá này từ các thị trấn xung quanh: đá cẩm thạch trắng từ Carrara; đá cẩm thạch xanh từ Prato và đá cẩm thạch đỏ từ Siena.

 

 

Tuy nhiên, quá trình hoàn thiện tháp chuông bị trì hoãn khi mới hoàn thành xong tầng thứ nhất, sau sự qua đời của Giotto vào năm 1337. Công trình sau đó được giao phó cho kiến trúc sư – nhà điêu khắc nổi tiếng Andrea Pisano, người đã để lại dấu ấn riêng của mình với thiết kế cổng vòm đẹp mắt của nhà rửa tội Thánh John. Đối với tháp chuông, Pisano tiếp tục hoàn thiện khối kiến trúc dựa trên những thiết kế của Giotto. Vào năm 1348, Pisano qua đời, nối tiếp sau đó là đại dịch Black Plague khiến cho tháp chuông một lần nữa bị bỏ ngỏ. Phải tới tận năm 1359, công trình tháp chuông mới chính thức được hoàn thiện bởi kiến trúc sư vùng Tuscan Francesco Talenti, với chiều cao 85 mét và tổng cộng 412 bậc thang.

 

 

Brunelleschi và thiết kế mái vòm làm nên lịch sử

 

 

 

Vào thời điểm đó, Florence được coi là thành phố dẫn đầu phong trào Phục hưng nước Ý, với những thành tựu khoa học kiến trúc đáng nể trong thế kỷ 15. Tuy nhiên, việc thiết kế mái vòm cho thánh đường Santa Maria del Fiore vẫn là một vấn đề nan giải do kích thước quá khổ và không có trụ khiến cho bao kiến trúc sư kế nhiệm Di Cambio phải đau đầu, mặc dù đã có sẵn bản thiết kế trước đó vào năm 1296 do Cambio để lại. Sở dĩ như vậy là bởi tại thời điểm những năm 1300, các kiến trúc sư Phục hưng người Ý bác bỏ hoàn toàn việc sử dụng trụ ngoài trong các thiết kế của mình, do đây được xem là một chi tiết thuộc phong cách kiến trúc Gothic đã lỗi thời trước đó và được coi là chướng mắt, mất mỹ quan.

 

 

Do đó, các kiến trúc sư người Ý đã bắt đầu nghiên cứu và học hỏi những kiểu hình kiến trúc cổ điển nhằm tìm ra ý tưởng để có thể phân bổ trọng lượng của mái vòm thay vì phải sử dụng cột. Người đã nảy ra sáng kiến khiến cho việc xây dựng mái vòm trở nên khả thi là kỹ sư, kiến trúc sư Filippo Brunelleschi, ông lấy cảm hứng từ việc nghiên cứu thiết kế và kiến trúc của đền thờ Pantheon của người Roman với phần mái vòm rộng lớn bên trong.

 

 

Nhìn từ góc độ kiến trúc, việc thi công mái vòm theo thiết kế của Brunelleschi là gần như không thể với kỹ thuật và công nghệ của thời kỳ lúc bấy giờ. Tuy nhiên, nhờ có những máy móc và thiết bị do chính ông sáng chế ra, cùng những tính toán chính xác, Brunelleschi đã có thể hoàn thành được một công trình kiến trúc vĩ đại, đánh dấu mốc quan trọng khởi đầu cho những thành tựu kiến trúc thời kỳ Phục hưng. Ưu tiên số một khi xây dựng mái vòm chính là việc giảm trọng lượng của nó tới mức tối thiểu để có thể đứng vững mà không cần tới trụ cột. Để làm được điều này, Brunelleschi đã thiết kế lớp vòm có hai phần vỏ: vỏ trong và vỏ ngoài với khoảng trống ở giữa.

 

Về cấu trúc, mái vòm được thiết kế theo hình vòm nhọn, có mặt cắt bề ngang hình bát giác và được gia cố bằng các vòng tròn nằm ngang đặt bên trong để khiến cho công trình trở nên cứng cáp hơn. Sau đó, ông xếp gạch vào lớp vỏ ngoài theo hình xương cá để có thể giảm thiểu trọng lượng tại phía ngoài. Song tất cả các ý tưởng thiết kế thiên tài này có lẽ sẽ không thể được thực hiện thành công nếu như không có sự trợ giúp của các thiết bị nâng đỡ do chính Brunelleschi sáng tạo ra, với khả năng vận chuyển hơn 37.000 tấn nguyên vật liệu xây dựng trong suốt quá trình thi công.

 

 

 

Sau 16 năm thi công, Brunelleschi hoàn thành mái vòm vào năm 1436, song ông vẫn muốn xây dựng thêm phần cửa trời trên đỉnh mái. Chi tiết này được hoàn thiện bởi người đồng nghiệp của ông là Michelozzo di Bartolomeo Michelozzi vào năm 1461. Vài năm sau đó, phần mái vòm tiếp tục được trang trí thêm một cây thánh giá bằng đồng bởi nghệ nhân Andrea del Verrochio vào năm 1469. Cho tới nay, mái vòm của tòa thánh đường Santa Maria del Fiore vẫn là một trong những công trình mái vòm bằng gạch lớn nhất thế giới.

 

 

Thiết kế mặt trước (façade) của thánh đường Florence

 

 

 

Mặc dù đã được hoàn thiện vào thời kì phục hưng, song mặt trước của thánh đường này vẫn có phần trống trải cho tới tận thế kỷ 19 do những bất đồng về ý tưởng thiết kế kéo dài hàng thế kỷ. Vào năm 1871, thành phố Florence đã quyết định tổ chức một cuộc thi về ý tưởng thiết kế mặt ngoài của thánh đường, người thắng cuộc sẽ được sử dụng ý tưởng của mình cho thánh đường. Kiến trúc sư Emilio de Fabris đã là người dành chiến thắng với thiết kế mặt ngoài theo tông màu đồng nhất với các phần còn lại của thánh đường: đá cẩm thạch trắng, xanh lam và đỏ, kết hợp với một số chi tiết, tạo hình đẹp mắt như phần cửa sổ hoa hồng đầy tinh tế lấy cảm hứng từ phong cách kiến trúc phục hưng Gothic.

Để lại lời nhắn